XtGem Forum catalog
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!



BÀN TAY MA THUẬT BÍ HIỂM
PHẦN 1

Ai mà hình dung nổi chứ. Mẹ gói ghém toàn bộ đồ đạc của hai mẹ con, tới trường học của tôi rút hồ sơ và tống tôi lên một cái xe tải chuyên chở đồ. Ngồi trên xe cả ngày trời cuối cùng tôi cũng được thả xuống dưới đất để hít thở khí trời.
Khi đặt chân xuống dưới đất tôi mới hay mình đang đứng trên một con đường trải nhựa có vẻ cũ kỹ và đầy bụi. Đó là con đường chính của cái thị trấn nhỏ. Nơi mà mẹ từng nói là rất tuyệt vời khi thấy tôi lo lắng và tỏ ra ngang bướng, không chịu thu xếp đồ đạc khi mẹ thông báo cái tin mà tôi cho là khủng khiếp nhất đời mình: “Chúng ta sẽ chuyển nhà, con trai ạ.”
Một cái thị trấn nhỏ. Không có vẻ gì là sầm uất và nhiều khu vui chơi, nhà hàng cũng như quán kem mà tôi ưa thích ở trên thành phố. Và cái thị trấn này chào đón tôi bằng một màn bụi đỏ mù mịt khi có một chiếc xe tải chạy qua. Màn chào đón cư dân mới kiểu đó khiến tôi ho sặc sụa.
- Mau giúp mẹ chuyển đồ vào trong nhà đi.
Chưa kịp dứt cơn ho, tôi đã nghe thấy tiếng mẹ nhắc nhở. Lót tót chạy ra phía sau xe tải, tôi mới hay mẹ và người tài xế đã bốc dở được một số món đồ ra khỏi thùng xe.
Những thứ đồ được lấy ra khỏi thùng xe đang được đặt trước bậc thềm của một ngôi nhà hai tầng, xây theo kiểu biệt thự với lối kiến trúc Pháp. Mặc dù ngôi nhà nhỏ và khá cũ kỹ nhưng tôi vẫn thấy nó có gì đáng thu hút. Lối kiến trúc khiến cho ngôi nhà có một vẻ gì đó bí ẩn. Hệt như một người đàn ông đang nhìn tôi và mỉm cười. Nụ cười đầy ý nghĩa. Còn ý nghĩa gì thì tôi không biết. Đó là những gì tôi cảm nhận về ngôi nhà mới của mình.
- Xe xuống trễ hơn dự định hai tiếng!
Giọng một người đàn ông vang lên khiến tôi chú ý. Tôi quay lại, thấy mẹ đang đứng lau mồ hôi trên trán bằng lưng bàn tay, vừa cười với một người đàn ông khoảng bốn mươi lăm tuổi, dáng cao lớn, da ngăm đen, tóc cắt sát da đầu nhìn giống hệt như là ông ta chơi trội, cắm một đống đinh loại 1cm lên đầu.
Tôi không có thiện cảm với người đàn ông vừa mới xuất hiện đó. Mặc dù mẹ đang tươi cười và nói bằng giọng khá thân thiện với ông ta.
- Em không nghĩ là việc chuyển đồ lên xe ôtô lại chiếm nhiều thời gian như thế. Anh chờ mẹ con em có lâu không?
- Bằng khoảng thời gian em chuyển đồ lên xe.
A! Người đàn ông có lối trò chuyện khá là hay ho. Một kiểu hài hước kín
đáo. Mặc dù tôi không thấy ông ta cười khi nói. Nhưng nét mặt có vẻ dễ chịu.
Người đàn ông chiếu tia nhìn vẻ dò xét về phía tôi và lên tiếng. - Cậu nhóc của em đây hả?
- Anh có thấy nó khác lắm so với hồi nhỏ không?
Người đàn ông nhìn tôi từ ngón chân lên tới chỏm tóc rồi gật đầu một cái. - Khác. Giống hệt kẻ đó!
Mẹ bật cười vui vẻ và đập vào tay người đàn ông. - Anh vẫn chẳng thay đổi chút nào.
Kỳ lạ! Tôi chưa bao giờ thấy mẹ vui đến thế. Kể từ ngày bố tôi mất trong một tai nạn giao thông. Điều này khiến cho tôi thắc mắc ghê gớm. Người đàn ông này có quan hệ như thế nào với mẹ? Tại sao mẹ lại thích chuyển về đây ở? Có phải vì người đàn ông này không? Mà tại sao người đàn ông kia lại nhận xét là “Giống kẻ đó” sau khi quan sát tôi? Kẻ đó là ai? Cái kiểu nói chuyện của ông ta khiến tôi muốn phát điên lên được. Nhưng tôi nhất định không chịu thua.
Lôi cái mớ lý luận kiểu con cua, con ghẹ của một thằng nhóc mười ba ra để phân tích mọi vấn đề, tôi nhận ra rằng ông ta nói đến “kẻ đó” chính là bố tôi. Tất cả mọi người quen biết với gia đình tôi đều thừa nhận rằng tôi giống bố như đúc. Và từ hồi nào tới giờ tôi chưa thấy mình giống ai ngoài bố cả.
Điều tôi vừa phát hiện ra lại nảy ra một câu hỏi khác trong cái đầu ưa thắc mắc của mình. Đó là tại sao cái ông to con với nước da đen thùi kia lại gọi bố tôi là “kẻ đó”? Không lẽ giữa bố và người đàn ông này có vấn đề? Mà vấn đề đó là gì mới được chứ?
Tôi không trả lời được. Nhưng rõ ràng là có rất nhiều chuyện xung quanh gia đình của chính tôi mà tôi lại mù tịt.
- Cậu nhóc thấy chú thế nào?
- Ơ…
Bất thình lình người đàn ông dừng trước mặt tôi và hỏi khiến tôi giật mình, ngớ người ra không biết trả lời ra làm sao.
Người đàn ông vẫn chiếu ánh mắt xuống cái mặt đần thộn của tôi. Ánh mắt đó chứa đựng sự chế giễu ngấm ngầm. Đúng thế. Cái mặt của tôi chắc thộn ghê gớm mới khiến cho ông ta có cái nhìn như vậy.
- Sao? Có thấy chú giống với người bình thường không? - Ơ… có...
Tôi trả lời như một thằng ngố tàu.
Người đàn ông nhướng một bên lông mày lên và nói với tôi bằng cái giọng nửa như nài nỉ, nửa như ra lệnh. Hơn nữa, tôi còn thấy sự giễu cợt trong câu nói của ông ta.
- Vậy cậu nhóc làm ơn đừng đứng đực ra đó để nhìn chú lom lom như thế.
Hãy khuân những thứ đồ của mình vào. Phải ra dáng đàn ông trong gia đình
chứ.
Nói xong người đàn ông đứng im chờ tôi đứng né sang một bên. Lúc này tôi mới nhận thấy cái rương đựng toàn sách quí của mẹ nằm chình ình trên vai người đàn ông. Và tôi đang đứng chắn ngang lối đi lên bậc thềm của ngôi nhà có bộ mặt như của người đàn ông biết cười.
Cái nhướng mày thứ hai của người đàn ông khiến tôi vội vàng né sang một bên. Chẳng thèm nhìn đến tôi, người đàn ông đó sải những bước dài đi vào trong cánh cửa của ngôi nhà đầy bí ẩn. Tất nhiên là đối với tôi rồi!
Như đã nói ngay từ đầu là tôi không có thiện cảm gì với ông ta nhưng phải thừa nhận là với vóc dáng to lớn cùng nhứng bước chân vững chãi của mình, ông ta khiến tôi có cảm giác yên lòng đến lạ lùng. Chắc hẳn mẹ cũng có cảm giác đó như tôi nên mới thân thiện và thoải mái với ông ta đến thế.
- Nhanh chân lên con trai!
Mẹ một vai khoác cái ba-lô đựng quần áo to đùng của tôi, hai tay cầm hai cái dây buộc chắc chắn quanh hai cái thùng các-tông nặng trịch đi vào. Nhìn vai mẹ trễ hẳn xuống làm tôi thấy mình không thể đứng yên được. Đúng là phải ra dáng một người đàn ông trong gia đình rồi. Dẫu sao thì hiện giờ gia đình tôi cũng chỉ có tôi là người đàn ông duy nhất. Mẹ là phụ nữ mà.
Tôi ôm cái túi đựng đống đồ chơi và xách cái thùng đựng giày của mình đi vào trong nhà. Vì chưa được biết mình sẽ được ở phòng nào nên tôi cứ để hết đồ ở chân cầu thang. Song, tôi quay trở ra ngoài đường. Lúc ra, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy có thêm ba người đàn ông nữa tới giúp mẹ chuyển đồ ra khỏi cái thùng xe tối như hũ nút, đã nhốt tôi suốt quãng đường từ thành phố về đây.
Họ vừa làm, vừa trò chuyện với nhau theo kiểu khẩu lệnh. Rất ngắn gọn. Họ có vẻ kiệm lời. Tôi có thể khẳng định như thế. Có điều tôi không thấy họ cười đùa như người đàn ông “đầu đinh 1cm”. Chắc họ không thể cười đùa trong lúc làm việc được.
Nhìn họ khênh cái tủ làm bằng gỗ sồi chắc chắn của mẹ một cách khá chật vật. Mồ hôi ướt đẫm cả lưng áo của họ. Chúng khiến cho tôi thấy những tấm lưng vạm vở, chắc nịch của những người đàn ông đã trưởng thành. Và tôi ước ao sau này tôi cũng sở hữu được thân hình như thế.
Nghĩ thế nên tôi cười. Đúng! Tôi đứng cười một mình. Hình như những người có mặt trước cửa nhà tôi đều tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi cười một mình. Mà có lẽ có một kẻ nào đó khác nữa cũng trố mắt ngạc nhiên khi thấy tôi trong bộ dạng đó. Khi phát hiện ra có người nhìn mình từ bên kia đường tôi liền
nhướn người, dướn cổ ngó nghiêng khắp nơi nhưng tuyệt nhiên không phát hiện ra kẻ đó là ai. Chắc có lẽ tôi bị ám thị bởi mình là kẻ lạ mới chuyển đến đây. Cái thị trấn nhỏ đã chào đón tôi bằng màn bụi đỏ khiến tôi phải ho sặc sụa hồi nãy. Phải nói thêm với các bạn về một cái tật mà tôi cho rằng nó chẳng gây phương hại gì đến ai và ngay cả bản thân tôi nữa. Mà mọi người vẫn thường nói đó là thuốc bổ cho cuộc sống của con người. Tôi có tật hay cười!
Cái thị trấn nhỏ giàu lòng mến khách có một màn chào đón bằng bụi khiến tôi ho sặc sụa hệt như một kẻ bị sặc nước ấy, nó còn làm tôi khó chịu hơn nữa khi đã thực sự sống ở đây.
Này nhé. Các bạn có thể tưởng tượng thói quen hàng ngày của tôi như nào không?
1. Sáng ngủ dậy, vệ sinh cá nhân xong, ăn điểm tâm do mẹ nấu rồi chạy ra bến đợi, lên xe bus ngồi ung dung chờ đến lúc bác tài xế thông báo đã đến trường. Bác lái xe bus của trường tôi có giọng nói trầm ấm, truyền cảm. Tôi thường ngồi nán lại để nghe bác nhắc tôi xuống xe. Mỗi khi lên xuống xe tôi đều chào hỏi bác để được nghe giọng nói ấy của bác. Và trong mỗi tuần, khi nhận xét học sinh của các lớp bác luôn làm cho thầy giáo chủ nhiệm của tôi cảm thấy tự hào vì mình dạy dỗ học sinh rất tốt. Bác luôn nhận xét tôi là đứa trẻ ngoan, lễ phép và có giáo dục.
2. Trưa, tôi ăn cùng các bạn ở căn-tin rồi nghỉ trưa.
3. Chiều, bắt đầu học tiếp.
Tan học, tôi lại lên xe bus và xuống chỗ bến đợi gần nhà.
Trước khi trở về nhà, tôi rẽ vào hàng kem quen thuộc. Ăn một cốc kem sôcôla to bự. Phần thưởng của tôi sau một ngày chăm chỉ học hành. Điều khoản này đã có từ khi bố tôi còn chưa qua đời cơ.
4. Tối, ăn cơm xong tôi được mẹ làm cho một cốc nước ép trái cây hoặc rau củ. Nước ép được mẹ để lạnh uống tới đâu, mát lịm tới đó. Ăn uống xong tôi cùng mẹ xem ti-vi khoảng ba mươi phút. Đó là khoảng thời gian tôi được thư giãn và được ngồi bên cạnh để hít thở mùi mồ hôi thơm thơm quen thuộc của mẹ. Sau đó tôi lên phòng riêng học bài. Và cuối cùng là vệ sinh cá nhân rồi nằm lên giường, đắp chăn và nhắm mắt. Alêhấp. Ngủ!
Tất nhiên cũng có những buổi tối ngoại lệ. Những tối đó thường là cuối tuần hoặc ngày lễ, tết. Mẹ sẽ đưa tôi đi ăn ở ngoài, đi chơi, xem ca nhạc, xem phim. Về nhà ông bà nội, ông bà ngoại. Ngày bố chưa mất vì cái tai nạn khủng khiếp và đáng ghét kia thì cả gia đình chúng tôi đi cùng nhau. Bây giờ chỉ còn lại tôi và mẹ. Tất nhiên. Tôi là “vệ sĩ” bảo vệ mẹ khỏi những tên đàn ông đáng ghét vẫn mua kem cho tôi ăn.
Một môi trường sống đầy đủ và tiện nghi!
Một cuộc sống tuyệt vời như ở trên thiên đường! Nơi có chúa.
Tất nhiên là trừ những lúc tôi bị mẹ phạt vì tội quậy phá ở trường hoặc không nghe lời. Kinh khủng nhất vẫn là cái tai nạn chết tiệt đã cướp đi người bố rất rất tuyệt vời của tôi. Bố luôn là người hiểu tôi nhất. Cùng cánh đàn ông mà.
Vậy mà đùng một cái, tôi phải về sống ở cái thị trấn có lèo tèo vài đại lý bán tạp phẩm, vài cửa hàng giải khát suốt ngày mở cái thứ nhạc vàng ê a buồn tình, chia ly đến não cả lòng. Cửa hàng bán kem kiêm tạp phẩm có vài thứ kem que cứng ngắc cứng ngơ, cắn một miếng mà muốn gãy luôn cả hàm răng ngà ngọc của tôi. Nhưng ngoài mấy thứ kem đó ra chẳng còn loại kem nào khác nên tôi đành lòng chấp nhận việc mỗi ngày nhận phần thưởng của mình bằng một que kem sôcôla nhưng không hề có vị sôcôla. Mặc dù phải thừa nhận là nó cũng có một thứ màu như màu của sôcôla. Kệ! Có còn hơn không.
Ôi, đâu đã hết. Còn có việc kinh khủng hơn. Đó là thay vì được đi xe bus của trường học như trên thành phố, ở cái thị trấn này tôi phải đi bộ đến trường. Trường học cách nhà tôi tới 2km.
Mẹ thì rất thương tôi. Mẹ nói tới sinh nhật tôi, món quà mà mẹ gửi mua từ thành phố là một cái xe đạp thật đẹp, thật oách.
Từ nay đến sinh nhật của tôi còn hai tháng nữa. Tôi sẽ phải đi bộ hai tháng nữa!
Tất nhiên là còn nhiều thứ kinh khủng khác mà tôi phải chịu đựng khi sống ở cái thị trấn nhỏ như lỗ mũi này. Đã hơn ba lần tôi đề nghị, không, tôi năn nỉ, van nài mẹ chuyển về thành phố. Mẹ không đồng ý. Tôi lại tiếp tục năn nỉ với sáng kiến là tôi về ở với ông bà ngoại ở ngoại ô. Mẹ không đồng ý!
Mẹ tôi là phụ nữ nhưng rất cứng rắn. Đã không đồng ý thì thôi, mẹ còn tuyên bố là nếu như tôi còn lôi vấn đề này ra một lần nữa thôi, mẹ sẽ chuyển đến một nơi khác còn hoang vắng hơn cả cái thị trấn này.
Điều này quả là có công hiệu. Tôi chẳng dám hó he đến việc chuyển về thành phố thêm một lần nào nữa.
Điều đó có nghĩa là tôi vẫn phải tiếp tục sống ở cái thị trấn đầy lòng hiếu khách này. Và điều đó cũng có nghĩa là tôi tiếp tục phải chịu đựng những chuyện kinh khủng hơn.
Các bạn đoán biết những điều kinh khủng đó là gì không? Tồi tệ lắm!
Mối quan hệ của tôi với các thầy cô giáo và lũ bạn ở lớp học mới. Tất nhiên là trong ngôi trường duy nhất của cái thị trấn có màn chào đón cư dân mới khá là độc đáo và thân thiện này. Màn bụi mù khiến tôi phải ho sặc sụa!
ác bạn biết rồi đấy. Hẳn các bạn cũng gặp rồi đúng không. Tất nhiên. Ai trong đời mà chẳng gặp những thầy, cô giáo hay cắm cảu, khó tính như “bà cô ế chồng”. Không tin à. Vậy các bạn thử nhớ lại mà xem. Cả một đời cắp sách tới trường chúng ta gặp biết bao nhiêu là thầy, cô giáo. Trong số đó nhất định thế nào cũng có một người tính tình khó chịu, mặt mũi lúc nào cũng chàu quạu, khó
đăm đăm.
Biết là như thế nên không có gì phải khó chịu cả. Tất nhiên là ngoại trừ việc gặp phải một người như là cô giáo Hoa Quỳnh của tôi. Người mà mãi sau này tôi mới biết rằng bọn học sinh trong trường gọi là “hoa Quỳnh nở muộn”. Vì cô ba mươi sáu tuổi rồi nhưng vẫn chưa lấy chồng.
Lũ học trò gọi một cách “văn vẻ” như vậy để thay cho câu nói nghe có vẻ không láo lếu, tất nhiên là từ miệng những đứa học sinh hỉ mũi chưa sạch như chúng tôi. Chứ còn câu này tôi vẫn thấy mấy người lớn nói với nhau. Mà khi nói thì họ có nhiều trạng thái lắm. Có người cười hềnh hệch đầy vui vẻ. Có người lại tỏ ra bực mình. Câu nói mà ở trên tôi đã nói rồi ấy: bà cô ế chồng!
Tôi không biết những người ế chồng thì như thế nào nhưng cô Hoa Quỳnh - cô giáo chủ nhiệm ở cái trường duy nhất trong thị trấn này, cô chưa lấy chồng và cực kỳ khó tính. Trời ạ. Không phải khó tính thông thường đâu. Phải nói là cô Hoa Quỳnh là người quái ác. Bởi vì sao. Bởi vì không buổi học nào mà cô không làm tình làm tội tôi. Trong khi đó, lúc còn học ở trên thành phố ấy. Thi thoảng tôi mới bị thầy giáo phạt thôi. Một tuần tôi chỉ phạm lỗi vào những ngày đi học. Còn ngày nghỉ thì tôi chẳng phạm lỗi lầm gì ở lớp cả. Tôi là đứa học trò ngoan và lễ phép. Bác lái xe bus của trường tôi vẫn nhận xét vào sổ nhận xét của lớp tôi như thế mà.
Thôi, tôi trở lại chuyện ở trường mới, lớp mới của tôi. Là cô Hoa Quỳnh ấy. Cô hành hạ tôi rất là nhiều. Nhưng phải nói là cái hôm 13 tháng 4 ấy. Tôi nhớ chính xác bởi vì hôm ấy tôi đã đến trường trễ mất hai mươi lăm phút lại còn bị đứt mất cả quai dép. Không những thế hôm ấy còn là vào thứ 6, ngày 13 nữa.
Một con số đen đủi, liên quan đến quỉ sa-tăng. Tất nhiên là tôi nghe người lớn nói thế!
Nguyên trong buổi học của cái ngày đen tối ấy cô Hoa Quỳnh đã làm khổ tôi như sau:
l. Cô Hoa Quỳnh dùng thước kẻ đánh vào lưng bàn tay của tôi vì tôi cầm bút không đúng tư thế. Và vì tôi viết bằng cây bút bi, thay vì cây bút máy như các bạn khác trong lớp.
2. Cô Hoa Quỳnh véo tai tôi đến mức nó suýt rụng chỉ vì tội trong giờ chính tả, tôi quay sang hỏi Quân - thằng bạn ngồi bên cạnh là chữ “ngoằn ngoèo” viết như thế nào.
3. Cô bắt tôi đứng trên bảng, trước năm mươi tư cặp mắt của bọn bạn trong lớp để đọc bảng cửu chương bảy. Mặc dù cô Hoa Quỳnh biết thừa là tôi không thuộc.
4. Cô Hoa Quỳnh bắt tôi ngồi lại lớp trong giờ ra chơi để chép phạt một trăm lần câu “Em hứa từ nay sẽ không dính bã kẹo cao su ra bàn nữa ạ.”
5. Cô “hoa Quỳnh nở muộn” còn đưa tôi lên gặp Ban giám hiệu vì tôi đã dám cười khi mà cô đang mắng tôi. Thật là oan ức! Cười đâu phải là lỗi của tôi kia chứ. Tôi có tật hay cười mà. Mà như tôi đã nói từ trước rồi. Cái tật hay cười của tôi không gây phương hại cho bản thân tôi hay bất kỳ người nào khác. Vậy cho nên chắc chắn nó cũng không gây phương hại nào cho cô giáo chủ nhiệm của tôi cả. Tôi cười khi cô đang mắng tôi thì có hại gì cho cô nào.
Qua chuyện này tôi thấy có lẽ cả cuộc đời của cô ba mươi sáu năm qua có khi chẳng bao giờ cô Hoa Quỳnh cười cả. Lúc nào cũng thấy cô khó đăm đăm. Nhất là cô không ưa gì bọn con trai chúng tôi cả. Cứ theo độ gần của hai đầu lông mày của cô Hoa Quỳnh là biết được trạng thái của cô. Hôm đó hai đầu lông mày của cô dính sát vào nhau, nhìn như thể ai đó kẻ một đường chì màu đen trên trán của cô vậy.
Nhìn thấy hàng lông mày của cô như thế, bọn trong lớp nín khe. Đứa nào cũng ngồi thẳng lưng, hai tay khoanh trên bàn và gần như nín thở. Còn tôi, lúc đó tôi thấy lông mày của cô thật kỳ cục, giống hệt lông mày của mấy anh chàng cục mịch, ngố tàu trong bộ truyện tranh mà tôi đã đọc. Mỗi lần đọc truyện là nước mắt nước mũi tôi giàn giụa vì những trò ngố tàu của mấy anh chàng đấy. Tôi nhớ lại bộ dạng của những anh chàng đó. Thế là tôi cười!
6. Cô Hoa Quỳnh bắt tôi chép phạt lần nữa. Câu “Em hứa sẽ tập trung nghe thầy cô giáo giảng bài”.
7. Cô Hoa Quỳnh bắt tôi phải mang một chậu cây cảnh về chăm sóc qua đêm. Thật khốn khổ cho thân tôi.







Không bấm vùng phía dưới kẻo mất tiền nhé!